Không phải tự nhiên nhiều người lại gọi Sài Gòn là thành phố hào sảng. Ở đây, chẳng khó để thấy được những câu chuyện người tốt việc tốt, tấm gương sáng luôn không ngừng giúp đời, giúp người. Và điều này cũng được thể hiện rõ qua những tiệm cơm 0 đồng bán bằng tình nghĩa, chẳng màng tiền bạc.
Người Sài Gòn rất coi trọng tình cảm, luôn cố gắng giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn.
Cơm chay 0 đồng ngoại My (Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh)
Từ lâu cơm chay ngoại My đã được rất nhiều người biết đến, là chỗ dựa của biết bao bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Tổ Quốc đăng tải, chủ quán là hai vợ cụ My (đều đã ngoài 70 tuổi). Ban đầu, cụ lên Sài Gòn là để chữa "cụp cái lưng". Thời điểm đó, cụ thuê nhà để tiện đến viện thăm khám, đồng thời mở một quán bánh xèo nho nhỏ để có "đồng ra đồng vào" chữa bệnh.
Nhưng khi tình cờ thấy cảnh cả đoàn người nằm gục vì cái đói, cụ đã thay đổi quyết định. Thay vì bỏ tiền mổ lưng, cụ đã rút sạch mọi đồng trong tài khoản để lo cho bữa ăn của những người lao động nghèo. Đây cũng là lý do khiến hai vợ chồng cụ quyết định ở Sài Gòn. Suốt mấy năm thành phố "ốm nặng" vì Covid, cụ đều đặn bật bếp, nấu ra những phần ăn nghĩa tình gửi tặng mọi người.
Cụ My đặt bao tâm huyết của mình vào trong tiệm cơm. (Ảnh: Tổ Quốc)
Dần dần 80 triệu đồng duy nhất của cụ My dần cạn sạch. Cụ kể: "100 (suất) là chạy lại này mua gạo chịu rồi đó. Lúc đó dịch, đồ mắc lắm, rau củ mắc nữa. Thành ra 80 triệu nó đâu làm được bao lâu đâu. Bà tính nghỉ nhưng bên chùa Long Vân chở qua một xe đồ. Cái chú Quyền Linh ổng đi ngang, ổng hỏi đi xe du lịch vậy nè thì cho ăn không? Bà mới nói mình cho ở ngoài, ai ăn mà hổng được. Nhưng mà chú Linh xuống đâu phải đi xin, chú chở cho mình một xe đồ, chở gạo nước tương cho mình một xe luôn."
Rồi người này người kia cho thực phẩm, cụ lại tiếp tục làm công việc thiện nguyện của mình. Cứ có đồng nào trong người, cụ lại dành dụm cho căn bếp nhỏ, không dám tiêu xài cho bản thân. Mỗi suất ăn đều được hai cụ chuẩn bị kĩ lưỡng, chưa từng làm qua loa lấy lệ. Hộp nào cũng đầy ắp thức ăn nóng hổi, tuy không phải cao lương mĩ vị nhưng bên trong lại chất chứa cả tấm lòng. Có lúc thiếu cơm, cả hai còn sẵn sàng lấy cả phần của mình đưa cho người khó khăn.
Cũng nhờ tình thương của vợ chồng ngoại My mà biết bao nhiêu người có thể vượt qua được đợt dịch. Căn bếp tình thương của hai cụ cũng nhận được rất nhiều lời khen, sự động viên, ủng hộ. Có người góp tiền, người lại góp sức, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Ngoại My lúc nào cũng bận rộn trong tiệm cơm 0 đồng của mình. (Ảnh: Ở đâu cũng chụp)
Ai cũng vui vẻ khi nhận được phần cơm nghĩa tình từ hai cụ. (Ảnh: Tổ Quốc)
Quán cơm 0 đồng của đôi vợ chồng Việt Nam - Mexico (Vườn Lài, Quận 12)
Quán cơm 0 đồng của chị Trần Hoàng Kim và chồng là anh Del Toro Garcia Nicolas Antonio (quốc tịch Mexico) cũng là địa chỉ mà nhiều bà con lao động nghèo thường tìm đến. Chị từng sống tại Malaysia hơn chục năm, lúc nào cũng chăm chỉ làm các công việc thiện nguyện. Đến năm 2019, khi trở về TP.HCM, chị lại tiếp tục đam mê giúp đỡ mọi người của mình bằng cách mở ra quán cơm "lấy nụ cười làm lãi".
Chị nói với Thanh Niên: "Tôi tin vào nhân quả, tin vào việc khi mình cho đi thì chắc chắn sẽ nhận lại được nhiều hơn như thế. Như việc mở quán cơm này hỗ trợ cho người khó khăn, tôi nhận lại được nụ cười, sự quý mến của mọi người và tôi thấy cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa. Đó cũng là động lực để tiếp tục công việc của mình".
Quán được mở ngay trong căn nhà thuê của hai vợ chồng chị Kim. Mỗi ngày chị lại đứng bếp nấu đồ ăn, còn chồng và những tình nguyện viên khác sẽ góp sức chuẩn bị nguyên liệu, đóng gói món. Bà con khi đến chỉ việc xếp hàng, chờ đến lượt để lấy cơm mang đi. Hầu hết khách đều là người lượm ve chai, người bán vé số, người bệnh... Ai cũng đều rất vui vẻ khi nhận được món quà ý nghĩa từ vợ chồng chị Kim. Chỉ chưa đầy 15 phút, khoảng 200 suất đã được tặng sạch.
Nhờ có suất cơm của vợ chồng chị Kim, nhiều người khó khăn mới có được một bữa ăn đúng nghĩa. (Ảnh: Thanh Niên)
Hành động nghĩa tình của hai vợ chồng chị được rất nhiều người ủng hộ. (Ảnh: Thanh Niên)
Quán chay Diệu thường (Hòa Hưng, Quận 10)
Cứ độ 10 giờ 30 phút mỗi ngày, quán cơm nhỏ Diệu thường lại nhộn nhịp người lao động từ khắp các nèo đường đổ về "mua" những suất cơm 0 đồng. Có những ngày lượng người xếp trước cửa quán trở thành một hàng dài. Dù vậy, ai cũng rất kiên nhẫn, chờ đợi đến lượt của mình. Chỉ tầm 30 phút là các suất ăn được trao hết sạch.
Điểm đặc biệt nhất của quán chính là thực đơn thay đổi mỗi tuần, mỗi ngày lại có một món chính khác nhau. Nói về điều này, bà Nguyễn Hai (người trực tiếp nấu) chia sẻ với Thanh Niên: "Bây giờ mình chỉ nghĩ ngày nào cũng ăn một loại thịt, một loại rau thì làm sao mà chịu được. Mọi người ăn cơm chay cũng thế, có những người họ khó khăn nên ăn thường xuyên thì mình cũng phải đổi các món cho dễ ăn. Tôi thi thoảng nấu thêm mấy món nước hoặc cơm chiên để thay đổi, không phải cứ miễn phí là thế nào cũng được".
Từng suất cơm được trao tận tay người khó khăn. (Ảnh: Quán chay “0 đồng” Diệu thường và nhóm những người bạn)
Giải thích về cái tên Diệu thường, chị Huyền Trân (một thành viên của quán) cho biết: "Tên là do anh Điệp - trưởng nhóm quán cơm chay Diệu thường - đặt. Nó có nghĩa là một cái gì đó thật đơn giản thôi, như việc làm của tụi mình vậy. Mình thích chữ '0 đồng' thay chữ 'miễn phí' vì tụi mình coi như đang bán cho các cô chú chứ không phải kiểu ban phát. Mình chỉ muốn san sẻ yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn hơn, tình thương không miễn phí, nó là vô giá".
Theo thời gian, các thành viên trong nhóm thiện nguyện ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên cũng bởi vậy nên quán có thêm nhiều vấn đề cần phải làm hơn, ví như phân chia nhân lực, tài chính, lên kế hoạch hoạt động... Mọi thông tin chi tiết đều được chia sẻ công khai trong hội nhóm "Quán chay 0 đồng Diệu thường và những người bạn". Chia sẻ thêm về điều này, anh Điệp nói: "Tụi mình xác định đây là công việc nghiêm túc nên mọi sổ sách, kế hoạch được bàn rất cẩn thận. Bởi vì tụi mình muốn duy trì lâu dài chứ không giống kiểu tự phát rồi lại chóng nở tối tàn."
Từ việc lên thực đơn cho đến chọn nguyên liệu, chế biến, tất cả đều được chuẩn bị rất tỉ mỉ. (Ảnh: Quán chay “0 đồng” Diệu thường và nhóm những người bạn)
Mỗi phần ăn đều rất đầy đặn, ngon mắt. (Ảnh: Quán chay “0 đồng” Diệu thường và nhóm những người bạn)
Bày tỏ về những quán cơm 0 đồng, anh chàng M.T (sống tại TP.HCM, một thành viên của Cột sống Gen Z) chia sẻ: "Để duy trì được một quán ăn mà không cần lời lãi, chắc chắn không phải là điều dễ dàng gì, kể cả khi có sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Không ai có thể phủ nhận tấm lòng đáng trân quý của những chủ quán trên."
Người Sài Gòn lúc nào cũng vậy, luôn hào sảng và đầy tình nghĩa. Kể cả khi thành phố có thay đổi đến mấy, sự tử tế vẫn luôn hiện diện ở khắp mọi nơi. Để đọc thêm những câu chuyện về tình người, mọi người có thể theo dõi các bài viết hấp dẫn trên YAN.
SÀI GÒN TÌNH NGHĨA TRONG TỪNG ĐIỀU NHỎ NHẤT
Dù là thời điểm nào, Sài Gòn cũng chẳng bao giờ thiếu đi sự tử tế, hào sảng. Thậm chí trong từng điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể thấy rõ được tình người ấm áp và thiêng liêng nơi đây. Ví như những bình nước miễn phí dành tặng người đi đường giải khát giữa mùa hè oi bức. Hay câu chuyện người thợ sửa xe cứ ai khó khăn là sẵn lòng miễn phí.
Dù số tiền chẳng đáng là bao, thế nhưng ý nghĩa đằng sau đó lại chẳng thể đong đếm nổi. Đúng như mọi người vẫn thường nói "chuyện người Sài Gòn tử tế với nhau nhiều lắm, kể hoài hổng có hết!"
Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY!